1B-Xã Đông Mỹ-Thanh Trì-Hà Nội
Hotline : 0977774677 - 0942712345

Tin tức

Trải nghiệm đắm say, "Địa Lan Kiếm Sapa" nơi gặp gỡ đất trời

Đến với Sapa trong một sáng sớm gió mùa lạnh ùa về, lái xe men theo những cung đường uốn lượn, càng lên cao càng cảm nhận rõ được cái lạnh “đặc trưng” của miền núi Tây Bắc. Trong chuyến đi lần này, đoàn khảo sát Hatthocvang Vietnam gồm ba anh em, muốn cảm nhận được vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên cùng những nét văn hóa, phong tục tập quán nơi đây một cách chân thực nhất. Càng mong muốn hơn nữa là mang những nét đẹp đó đi đến khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.

Sapa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên được kết hợp với sức sáng tạo của con người hệt như một bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.

Từ trung trung tâm thành phố bạn có thể phóng tầm mắt của mình thoả thê ngắm nhìn những đỉnh núi ngút ngàn phía xa xa, thung lũng Mường Hoa rực rỡ hay nhà thờ đá với những nét đẹp cổ xưa…Đi đến đâu chúng ta cũng có thể ngẩn ngơ ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, cùng chụp lại những khung ảnh đẹp với “núi vờn núi, mây vờn mây”. Trong tất cả những nét đẹp đó, điều làm chúng tôi tò mò, ấn tượng nhất vẫn là những chậu Địa lan kiếm Sapa - một vẻ đẹp rất riêng được lưu giữ từ hàng nghìn năm nay.

Thực sự đắm say khi tận mắt nhìn thấy chậu lan kiếm Hồng Hoàng - Sapa nở rộ thành chùm sao rơi.

 

Lên đến thị trấn Sa Pa đã là 10 giờ sáng, đoàn chúng tôi may mắn gặp được anh Định và anh Thắng là cán bộ của Hạt Kiểm Lâm thị trấn Sapa, Vườn Quốc Gia Hoàng Liên Sơn, anh Thắng là người sở hữu một vườn Địa lan rất đẹp nơi đây. Theo chân anh vào sâu phía trong vườn, ai nấy đều hào hứng trước vẻ đẹp thơ mộng của một rừng Địa lan trước mắt. Đã từ lâu được nghe danh lan Kiếm Hồng Hoàng và Địa Lan kiếm Trần Mộng.

 

Lan Kiếm (Cymbidium) là một chi trong họ Lan. Lan Kiếm có những loài bám trên cây, chúng ta gọi là Phong lan Kiếm (Epiphytic Cymbidium) và có những loài mọc trên đất, được gọi là Địa lan Kiếm (Terrestrial Cymbidium). Thật sự, phải đến tận nơi, ngắm tận mắt mới cảm nhận được vẻ đẹp của hoa loài hoa Hồng Hoàng Sapa, tôi đã hiểu một phần vì sao nhiều người nhầm tưởng Lan Kiếm Hồng Hoàng Sapa là Lan Kiếm Trần Mộng đến vậy!

Cành hoa địa lan kiếm Hồng Hoàng nở sớm trước mùa

 

Phân biệt hoa lan kiếm Hồng Hoàng với hoa Địa lan kiếm Trần Mộng!

Địa lan Kiếm Trần Mộng có các đặc thù sau:

- Lá lan hẹp bản, dài, lả lướt, đầu nhọn.
- Ba cánh đài của hoa xoè rộng, hai cánh hoa hơi úp lại, che phía trên của nhuỵ hoa. Cánh môi thường cong, có điểm các màu.
- Cành hoa thẳng từ dưới lên, có loài lan cành hoa không cao hơn đám lá, nhưng nhiều loài hoa cao hơn đám lá.
- Hoa nở khá bền (từ 10 ngày đến 30 ngày, thậm chí lâu hơn) nhiều loài hoa rất thơm nhưng dịu, không hắc như nhiều loài hoa khác.

- Địa lan Kiếm là "Bách hoa chi anh" nên phải có sự kết hợp của hoa lan với nhiều loài hoa quý khác mới làm nổi bật lên vẻ đẹp của Lan Kiếm.

- Đặc biệt, địa lan Kiếm Trần Mộng có mùi hương thơm rất đặc biệt, ai đã từng ngửi thì không thể quyên mùi thơm ngọt sâu thẳm, dịu nhẹ mà nhớ đời.

Người chơi địa lan Trần Mộng bị cuốn hút cũng bởi yêu thích mùi vị của loại hoa này.

 

Hoa lan Kiếm Hồng Hoàng - Sapa:

Về hình thức thì hoa lan kiếm Hồng Hoàng Sapa khá giống với địa lan kiếm Trần Mộng, nhưng bản chất của lan kiếm Hồng Hoàng là loài sống trên thân cây, khi được các nghệ nhân vùng Sapa trồng đã ép cho cây sống trong chậu với kỹ thuật chăm sóc đặc biệt riêng, hoa tạo thành chùm lớn cuốn hút, tạo thế để phù hợp với nhu cầu khách mua thị hiếu thị trường, hoa nở gần như không có hương thơm. Ưu điểm của lan kiếm Hồng Hoàng là rất bền có thể chơi lâu đến tháng 5 - 6 âm lịch, hoa thành chùm lớn, trưng bày ở đại sảnh rất đẹp, tạo bề thế, sang trọng cho các không gian đại sảnh, nhà hàng, khách sạn.

 

Một số giống hoa lan Hồng Hoàng lai ghép, đột biết khi nở hoa (cánh hoa vàng xanh, nhị hoa màu vàng, không có lưỡi đỏ tím như thông thường), hình thức khá giống với địa lan kiếm Trần Mộng nên có chút nhầm lẫn, họ đặt tên riêng dòng đột biến là "Lan kiếm Trần Mộng - Sapa" cho thỏa chí đam mê cá nhân.  Những chùm hoa như những ánh sao rơi bên những chậu kích thước chửng 3 người ôm và cần tới 5 thanh niên lực lưỡng khiêng, kê trên bục kệ cao cả mét, hoa lan Hồng Hoàng Sapa nở rủ xuống thành những chùm sao, giúp liên tưởng tới nhiều điều tốt đẹp khởi đầu năm mới, đón xuân mới,... vẻ đẹp này đã khiến nhiều du khách từng thấy khi đi du lịch ở Sapa phải săn tìm bằng được đưa về nhà chơi tết, rước lộc "chùm sao tốt" về nhà.

 

Cận cảnh hoa Lan Hồng Hoàng - Sapa, cánh hoa màu vàng xanh nhạt, nhị màu tím đỏ, lõi nhị vàng óng làm hút hồn người xem.

 

Địa lan kiếm Trần Mộng cũng rất đẹp và sự tích giấc mộng vua Trần!

Tích kể rằng, Vua Trần Anh Tông trong một đêm ngủ, mộng thấy được xem một loài Địa lan rất lạ, hoa màu đỏ hồng, rất đẹp và rất thơm. Khi Người tỉnh giấc, thấy tiếc quá, nhà vua ngẩn ngơ, bần thần. Kỳ lạ thay, trong ngày hôm đó, có người mang tiến vua một chậu lan như trong giấc mộng của nhà vua… thế là loài lan quý đó đã được mang tên giấc mộng của vua Trần.

 

Người nổi danh nhất trong giới chơi lan của Việt Nam là vua Trần Anh Tông (thế kỷ XIII) có Ngũ Bách Lan Viên "Vườn 500 chậu lan". Các loài địa lan Kiếm tồn tại trong các thảm rừng ở Việt Nam tới ngày nay chỉ còn có 5 loài. Chúng bao gồm các giống lan có mầu tím sẫm, màu lục, mầu trắng, mầu vàng v.v… như: Đại Mặc, Hoàng Vũ, Thanh Trường, Bạch Ngọc v.v…

 

Người Á Đông có truyền thống văn hoá hàng ngàn năm, nuôi trồng và thưởng ngoạn Địa lan Kiếm. Địa lan Kiếm đã chiếm vị trí độc tôn hàng nghìn năm trong văn hoá của người Đông Á, nhất là ở Trung Quốc, nên sự tuyển lựa và chăm sóc rất tinh vi đã hình thành các quan điểm, các học thuyết về thẩm định lan. Đã từ lâu Đức Khổng Phu Tử (551-497 trước Công nguyên) đã lấy khí tiết của Địa lan Kiếm, dù ở thâm sơn cùng cốc mà vẫn toả hương khoe sắc, để răn dạy các bậc quân tử phải gắng tu thân.

 

Người ta phân biệt rõ hai hoạt động: chăm sóc lan là các hoạt động lí trí mang tính khoa học kỹ thuật, nhưng thưởng thức lan là hoạt động mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ, tình cảm. Thường người ta hiểu thưởng thức Địa lan Kiếm trong 4 chữ:

“Hương, Sắc, Tư, Vận”


- Hương lan Kiếm được tôn là Vương giả chi hương, thiên hạ đệ nhất hương, hương thanh, không hắc, nhưng đậm đà, khó quên, thoắt ẩn thoắt hiện, như gần như xa.
- Mầu sắc của hoa lan là mầu sắc của 3 cánh đài, của 2 cánh hoa, của cánh môi, của họng hoa, của lá. Thiên nhiên đã vô cùng tỉ mỉ tuyển lựa mầu, tô vẽ cho các phần của hoa rất phong phú, nhưng thanh nhã không quá sặc sỡ.
- Tư là dáng vẻ của cây địa lan Kiếm được đánh giá thanh cao cốt cách, phong độ hiên ngang, nhưng vẫn rung rinh trước gió, hài hoà giữa cương và nhu.
- Vận là chỉ ý vị của địa lan Kiếm, đây là điều tự hào nhất của tất cả các dân tộc Đông Á - Chiêm ngưỡng lan dần dần sẽ tự thấy có sự thống nhất cái đẹp bên ngoài của cây lan với "cái thần" thẳm sâu bên trong, hình thành sự liên tưởng chặt chẽ sâu sắc, cửa sổ trí tuệ văn hoá như được mở rộng, khơi thông thế giới tinh thần, hướng tới Chân-Thiện-Mỹ.

 

Địa lan Kiếm hoa nhỏ và không rực rỡ, hương thơm dịu nên chưa thực hấp dẫn nhiều người dân Việt Nam như hoa hồng, hoa sen, hoa huệ, hoa cúc. Vì vậy các tao nhân mặc khách yêu lan thường tự hào với nhau về câu nói cổ xưa:

“Thức giả thị bảo, Bất thức giả thị thảo” tức là: “Biết thì quý như báu vật - không biết thì coi như cây cỏ”.

 

Cũng lý do đó Địa lan Kiếm không phải là loài cây hoa mang tính hàng hoá như: cúc, sen, hồng, huệ v. v… Mỗi gia đình yêu lan chỉ trồng độ 5, 10 chậu, sớm chiều nâng niu chăm sóc. Khi có hoa nở lại tụ họp, trà quý, rượu ngon, những bài thơ hay được mang ra bình phẩm thâu đêm. Địa lan Kiếm là vật biếu, quà tặng rất quý giá.

 

Mặt khác, người Đông Á không bao giờ cắt cành hoa Địa lan Kiếm để cắm lọ. Với quan điểm 11 tháng chơi lá, 1 tháng chơi hoa nên chậu địa lan Kiếm không có hoa vẫn là một vật trang trí lịch sự trong các phòng khách.


Địa lan kiếm đắt – nhưng rất xứng với cái danh!
Trong các bài thơ về lan của Trung Quốc cũng như Việt Nam, xưa và nay không có bài thơ não nùng ai oán vì liên tưởng hoa thơm chóng tàn, người đẹp thì "bạc mệnh". Chắc vì Địa lan Kiếm khá bền. Mặt khác cũng không ai buồn vì hoa lan biết nói. Nhà thơ đời Đường, Lưu Vũ Tích đã lo lắng hộ các cụ già, không còn được hưởng những cái đẹp trên đời, chỉ còn có hoa và nếu hoa biết nói:

“Đãn sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai”
Tản Đà dịch:

“Buồn vì hoa nói lên lời
Rằng hoa chẳng nở cho người già nua”

Thực ra chiêm ngưỡng Địa lan Kiếm cần có tâm hồn thư thái, bình tĩnh, ngồi lâu thấm thía dần dần: sắc nhã, hương dịu, dáng thanh. Điều này rất thích hợp với người cao tuổi, nhàn nhã - như vậy Địa lan Kiếm nở hoa đã phục vụ các vị lão thành rồi, can chi phải lo lắng hoa lan nở cho ai!

Nhà thơ trẻ Trần Anh Thuận đã thốt lên:

"Yêu mình một, quý lan mười
Chỉ một lần ngắm, trọn đời ngẩn ngơ".

 

Người ta sẽ cười những ai kê sát mũi vào bông lan và hít thật sâu! Thật mạnh! Thưởng thức hương lan thế vậy sao! Cứ bình tĩnh, hương lan thường toả hương từng đợt.

 

Gần đây có một nhận xét khá hay, người nào có thú chơi lan cũng trẻ hơn lên:

“Ai đã mê lan chẳng thấy già
Vị nào cũng trẻ, ngỡ mười ba”

Nói vậy là nói quá - nói cho vui thôi!

“Sắc mầu tươi thắm, lan sau trước
Hương ngát quanh năm, mãi chẳng già”

Về mặt tâm lý, người cao tuổi chơi lan luôn luôn thấy những bông hoa lan này đang rực rỡ, nhưng lại có các nụ lan kia sắp nở - và rồi người ta mong đợi ngày mai, không sợ ngày mai, không còn thấy những chuỗi ngày dài lê thê buồn, vì luôn luôn có lan nở và lan sắp nở bên mình.

 

Chăm sóc Địa lan kiếm không dễ !

Anh Thắng chia sẻ: “Chăm sóc địa lan cũng không đơn giản, cách chăm sóc của vườn này không thể áp đặt hoàn toàn sang vườn khác, không ai dám tuyên bố là mình trồng lan không chết cây nào. Thực chất chăm sóc địa lan là chúng ta liên tục duy trì đầy đủ các yếu tố cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển của cây như : ánh sáng, nhiệt độ , không khí, độ ẩm, phân bón… Trồng địa lan thực ra là chúng ta làm 2 việc :thứ nhất là tạo ra tiểu vùng khí hậu cho vườn lan, thứ hai là tạo ra môi trường cho cây lan sinh trưởng”.

 

Địa lan kiếm là loài hoa ưa ấm, không thích lạnh, trời càng ấm càng tốt, tuy nhiên cũng không được quá nóng sẽ khiến cây phát triển không tốt. Nếu thời tiết lạnh kéo dài dưới 50 độ F hoặc 10 độ C thì cây lan sẽ khó có thể sống được, do đó trong những ngày này chúng ta cần phải giữ nhiệt độ ấm cho cây để tránh chúng bị chết. Người trồng lan phải biết kết hợp giữa nhiều yếu tố như nhiệt độ, chất liệu trồng, độ thông thoáng và sự bón phân, tưới nước.. thì mới có được chậu hoa đẹp.

 

Anh Thắng cho hay, những chậu Địa lan kiếm này đang được chuyển dần xuống những vùng ấm hơn để cho nụ hoa nở to, nở đúng vào dịp Tết Nguyên Đán phục vụ cho mọi người dân yêu lan.
Cho đến nay ở Hà Nội, Địa lan Kiếm chỉ chiếm chừng 10% trong các vườn lan (30% là phong lan rừng, 60% là phong lan lai đã được nuôi trồng công nghiệp hoá). Việc nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng công nghiệp hoá Địa lan Kiếm còn quá chậm nên các loài hoa này rất đắt.

 

Địa lan Kiếm chỉ mọc ở vùng núi cao Hoàng Liên Sơn – một nơi có khí hậu đặc biệt trong sạch, mát lành. Loài hoa này chính là sự hội tụ của những gì tinh khiết nhất của núi rừng Tây Bắc. Mang đậm hơi thở của sự cao quý, vương giả cùng với sự chăm sóc ân cần tỷ mỷ của các nhà vườn chuyên hoa. Giá trị của Địa lan kiếm vượt xa hơn những gì chúng ta nghĩ.

 

Chia tay Sapa trong buổi chiều gió lạnh, chúng tôi ai nấy đều mang một cảm xúc bùi ngùi khó tả. Cảnh sắc, con người nơi đây ẩn chứa bao điều kỳ diệu, say đắm. Vẻ đẹp và sự ý nghĩa của lan kiếm Hồng Hoàng - Sapa  khiến tôi nhớ mãi không quên.

 

Xe từ từ chạy theo con đường cũ xuống núi. Thoang thoảng đâu đây có mùi thơm nhẹ nhàng của địa lan Kiếm Trần Mộng thật khó quên, không rõ mùi hoa thật hay cảm giác cũ đã từng được thưởng thức. Ngoảnh nhìn lại, nhìn hoa lan kiếm Hồng Hoàng Sapa bất chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ Đinh Hạnh đã viết:

 

"Hương lan, người Ngọc hay lờ lững!
Chợt có rồi không! đến ngỡ ngàng"

Chiều buông sương nhạt Sapa

Núi non uốn khúc reo ca suối ngàn..

Sapa đẹp! Trần Mộng đẹp! Hồng Hoàng cũng rất đẹp!

Đủ vị, có hương, sắc vẹn toàn!

 

Một vẻ đẹp say đắm lòng người, đã chơi lan thì người chơi thường tìm cho được cả "Hồng Hoàng" và "Trần Mộng" mới đủ cả "hương" và "sắc", cuộc chơi khi đó mới vẹn toàn.

 

Hồng Hoàng nở đẹp, ngắm không nguôi!

Trần Mộng tỏa hương, dịu nhớ đời!