1B-Xã Đông Mỹ-Thanh Trì-Hà Nội
Hotline : 0977774677 - 0942712345

Tin tức

mô hình Vườn rừng sinh thái, nông nghiệp tự nhiên và hữu cơ

Tính bền vững
Giống như một cái bồn nước, chúng ta lấy nước ra xài đầu này thì phải có cách bổ sung nước trở lại ở đầu kia nếu không muốn một ngày nào đó chúng ta bị cạn kiệt nước. Khi chúng ta trồng cây rồi thu hoạch là chúng ta đã lấy đi từ đất, sau đó phải bón phân trở lại để trả lại chất dinh dưỡng cho đất. Nhưng chúng ta có nhiều lựa chọn: Nếu muốn nhanh gọn, chúng ta bón phân hoá học, rất tiện lợi cho vài vụ đầu, nhưng càng ngày đất càng suy kiệt, chúng ta càng phải bón nhiều hơn mà đất giữ lại chẳng bao nhiêu, lợi nhuận ban đầu có thể cao nhưng càng ngày càng phải đầu tư nhiều hơn mà năng suất lại thấp hơn thì đó là kém bền vững. Chúng ta có lựa chọn khác là bón phân hữu cơ, phân vi sinh, có thể công chuẩn bị các loại phân này nhiều hơn nhưng nó ổn định từ vụ này đến vụ khác, ít phải gia tăng sức đầu tư, ít làm giảm sản lượng thu hoạch thì đó là cách làm bền vững hơn. Khi chúng ta bón nhiều phân hoá học thì kết cấu của đất bị phá vỡ, chúng ta phải làm đất bằng cày cuốc để tái tạo độ tơi xốp của đất. Nhưng khi chúng làm đất bằng cơ học như vậy, chúng ta đã vô tình tiêu diệt các loài sinh vật sống dưới đất, vốn là những cỗ máy làm đất hiệu quả của thiên nhiên. Và càng ngày chúng ta càng gánh hết trách nhiệm cải tạo đất mà đất vẫn cứ thoái hoá dần, đó là kém bền vững. Tương tự đối với các vấn đề sâu bệnh, tưới tiêu, nếu chúng ta làm theo kiểu "tranh giành với thiên nhiên" thì chúng ta đang loại bỏ thiên nhiên ra khỏi mảnh đất của chúng ta để thay vào những thứ nhân tạo, làm mất cân bằng sinh thái của tự nhiên, đến khi chúng ta không còn gánh nổi nữa (con người tưởng mình mạnh nhưng thực ra rất yếu đuối so với thiên nhiên) thì mọi thứ sụp đổ, đó là không bền vững.

Hệ sinh thái
mô hình Vườn rừng sinh thái, nông nghiệp tự nhiên và hữu cơ

Trong sinh quyển (thế giới sinh vật trên Trái đất) thì đâu đâu ta cũng bắt gặp hệ sinh thái, từ những cánh rừng rậm cho đến vũng nước sau nhà, và ngay cả trong bụng của mỗi người chúng ta. Đó là những "vòng tròn" trao đổi chất và năng lượng giữa các loài sinh vật khác nhau để mỗi loài luôn được phát triển một cách bền vững. Như vòng tròn dinh dưỡng: (hình bên dưới) Người và thú ăn thực vật; Chất thải của người và thú lớn cùng xác chết thú nhỏ (như chuột) đi vào đất làm thức ăn cho trùn, nấm và các vi sinh vật trong đất; Chúng phân huỷ những chất hữu cơ đó thành chất dinh dưỡng cho cây cối; Cây cối hấp thụ chất dinh dưỡng đó lại lớn lên làm thức ăn cho người và thú; Cứ thế vòng xoay tiếp tục...
[​IMG]

Những vòng tròn này cứ xoay liên tục như bánh xe lăn trên đường chẳng có đâu là khởi đầu chẳng có đâu là kết thúc (sự kết thúc của cái này là sự khởi đầu của cái khác, đầu ra của loài này là đầu vào của loài khác). Bởi nó xoay mãi nên nó mang bản tính bền vững.
[​IMG]

Con người vốn là một phần trong hệ sinh thái của Trái Đất (hình dưới, phải) nhưng lại tự cho mình là "bá chủ" của Trái Đất (hình dưới, trái) nên thường hay can thiệp vào các hệ sinh thái theo hướng đơn giản hoá (vì con người không đủ khả năng điều khiển những thứ phức tạp). Con người luôn muốn dẹp bỏ những thứ "vô bổ" trong hệ sinh thái như cây cỏ dại, giun dế, sâu bọ, cào cào châu chấu, v.v.
[​IMG]

Và kết quả của sự đơn giản hoá hệ sinh thái là một hệ thống khập khiễng, mất cân bằng: Chúng ta (vô tình) biến những vòng tròn của đa dạng sinh học (nhiều loài) thành những hình tứ giác, tam giác, thậm chí chỉ còn một đoạn thẳng (1 đầu là con người, 1 đầu là cây trồng chuyên canh)!
[​IMG]

Một bánh xe căng tròn thì lăn bon bon trên đường, còn một bánh xe méo mó thì sao có thể lăn ổn định được!


Sơ kết
Một cách đơn giản, muốn bền vững thì phải giữ được sự cân bằng;
[​IMG]

Các hệ sinh thái trong tự nhiên vốn rất cân bằng như một bàn thạch vững chãi, nếu chúng ta biết dựa vào cái "bàn thạch" đó thì sẽ được bền vững;
[​IMG]

Còn nếu chúng ta đẩy nó ra một bên thì sẽ tự biến mình thành đối trọng với nó như chơi bập bênh (một bên là thiên nhiên, một bên là con người)...
[​IMG]

Càng đẩy thiên nhiên ra xa thì chúng ta càng phải trở nên nặng nề, nhưng sức nặng của con người không thể nào địch lại sức nặng của mẹ Thiên nhiên, nên chẳng bao lâu thì bập bênh sẽ bật, chúng ta sẽ bị Thiên nhiên hất tung, ấy là sự phát triển kém bền vững.