1B-Xã Đông Mỹ-Thanh Trì-Hà Nội
Hotline : 0977774677 - 0942712345

Tin tức

Nguy hại dư lượng hóa chất và an toàn thực phẩm

Thực phẩm là hàng hóa thiết yếu, thực phẩm sạch & an toàn cần được ủng hộ để phát triển nhằm bảo vệ sức khỏe và giống nòi. Với thực phẩm bẩn cần tẩy chay lên án. Qua bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ thêm với bạn đọc kiến thức về sự nguy hại hóa chất và vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

Nguy hại dư lượng hóa chất và an toàn thực phẩm

Sạch ngon thực sự, Tinh khiết từ nguồn

Cây trồng các loại rau lá, củ, quả,… hầu hết phải sống và hút vi chất trong đất, nước tưới. Vật nuôi giết lấy thịt ăn ngoài việc phải kiểm soát tốt khâu mổ và sơ chế thì khâu chăn nuôi cho ăn cái gì, có sạch không, bởi vật nuôi nếu được cho ăn thức ăn bẩn, làm thuốc quá liều thì đương nhiên thịt của vật nuôi đó khó mà sạch được.


Để có thực phẩm sạch & an toàn đảm bảo cho sức khỏe con người, thì chuỗi quy trình: từ trồng chọt - thu hoạch - chăn nuôi - giết mổ - phân phối - chế biến - nấu nướng - đến bàn ăn là một quy trình khép kín có mối quan hệ khăng khít với nhau. Không sạch và không an toàn ở khâu chế biến bảo quản thì có thể phát hiện bằng mắt thường hoặc bằng kinh nghiệm được, còn “ô nhiễm - bẩn” từ nguồn thì khó có thể phân biệt, trong khi đó các nguyên nhân gây nên các bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư lại chính từ sự tích tụ độc từ dư lượng các chất độc hại chứa trong nguồn đó.

"Tinh khiết từ nguồn" theo chúng tôi có nghĩa là cây trồng cần được trồng từ nguồn đất sạch, nước tưới sạch. Vật nuôi cần được chăn nuôi chăm sóc bằng các loại cây, củ, quả trên nguồn đất và nước sạch đó. Chúng tôi xin được giới thiệu các mối nguy hại do dư lượng hóa chất đã ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng, vật nuôi, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến con người như sau:

Nguy hiểm từ việc bón đạm cho cây quá liều:

Cây trồng nếu bón dư thừa đạm quá liều, bằng mắt thường sẽ cho thấy màu lá cây xanh mướt hoặc nếu quá dư thừa thì lá màu xanh đậm. Nếu sử dụng bảng so màu lá thì độ đậm của màu lá càng được thấy rõ hơn. Đương nhiên là các thành phần hóa chất độc hại trong đạm sẽ chuyển hóa vào trong cây trồng nếu thu hoạch quá sớm hoặc không theo quy trình kỹ thuật. Vật nuôi khi ăn cây, củ, quả nhiễm độc đó tùy mức độ nặng thì chết tại chỗ, nhẹ thì ủ bệnh rồi chuyển hóa thành phần độc đó vào trong cơ thể vật nuôi, chưa kể việc người nuôi có thể lạm dụng thuốc phòng dịch, các chất tạo nạc,…Toàn bộ là một quy trình khép kín, mà con người là khâu cuối cùng sử dụng sản phẩm từ cây trồng và các loại thịt từ vật nuôi đó.
Nguy hiểm của NOvà phân bón đối với an toàn thực phẩm, sức khoẻ con người:

Dư thừa đạm trong đất hoặc trong cây đều gây nên những tác hại đối với môi trường và sức khoẻ con người. Do bón quá dư thừa hoặc do bón đạm không đúng cách đã làm cho Nitơ và phospho theo nước xả xuống các thủy vực là nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm cho các nguồn nước. Các chất gây ô nhiễm hữu cơ bị khử dần do hoạt động của vi sinh vật, quá trình này gây ra sự giảm oxy dưới hạ lưu. Đạm dư thừa bị chuyển thành dạng Nitrat (NO3-) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thuỷ sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn do sử dụng nguồn nước (Tabuchi and Hasegawa, 1995). Đặc biệt gây hại cho sức khoẻ con người thông qua việc sử dụng các nguồn nước hoặc các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa Nitrat.

Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và photpho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người đặc biệt là trẻ em. TS. Lê Thị Hiền Thảo (2003) đã xác định, trong những thập niên gần đây, mức NO3- trong nước uống tăng lên đáng kể mà nguyên nhân là do sự sử dụng phân đạm vô cơ tăng, gây rò rỉ NO3- xuống nước ngầm. Hàm lượng NO3- trong nước uống tăng gây ra nguy cơ về sức khoẻ đối với cộng đồng. Ủy ban châu Âu quy định mức tối đa của NO3- trong nước uống là 50 mg/l, Mỹ là 45 mg/l, Tổ chức y tế thế giới (WHO) là 100 mg/l. Y học đã xác định NO2- ảnh hưởng đến sức khoẻ với 2 khả năng sau: gây nên chứng máu Methaemoglobin và ung thư tiềm tàng.

Các nghiên cứu về y học gần đây đã xác định, dư thừa Phospho trong các sản phẩm trồng trọt hoặc nguồn nước làm giảm khả năng hấp thu Canxi vì chất này lắng đọng với Canxi tạo thành muối triphosphat canxi không hòa tan và tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất para thormon, điều này đã huy động nhiều Canxi của xương, và nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ. 

Nguy hiểm từ các kim loại nặng, hại khuẩn… luôn tiềm ẩn trong phân bón:

Ngay trong bản thân một số loại phân bón đã có chứa một số chất gây độc hại cho cây trồng và cho con người như các kim loại nặng hoặc các vi sinh vật gây hại, các chất kích thích sinh trưởng khi vượt quá mức quy định. Theo quy định hiện hành, các loại kim loại nặng có trong phân bón gồm Asen (As), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg) và Cadimi (Cd); các vi sinh vật gây hại có trong phân bón gồm: E. Coli, Salmonella, Coliform là những loại gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm. Phân bón có chứa kim loại nặng và vi sinh vật gây hại thường gặp trong những hợp sau đây: 
- Phân bón được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là rác thải đô thị, phế thải công nghiệp chế biến từ nông sản, thực phẩm, phế thải chăn nuôi. Để tận dụng nguồn hữu cơ, đồng thời giải quyết những vấn đề về môi trường cho các đô thị, các trại chăn nuôi tập trung, các nhà máy chế biến nông sản... hiện nay đã có một số nhà máy sử dụng các nguồn nguyên liệu nêu trên để sản xuất ra các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh để bón trở lại cho cây trồng. Các loại phân bón được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu nêu trên sẽ gây nên sự ô nhiễm thứ cấp do có chứa các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây hại vượt quá mức quy định. Kết quả điều tra của Viện Thổ nhưỡng Nông hoá từ năm 2004 -2007 cho thấy trong số các kim loại nặng thì Thuỷ ngân, còn đối với các vi sinh vật gây hại thì Coliform là những yếu tố thường vượt quá mức cho phép ở nhiều mẫu phân bón được kiểm tra thuộc nhóm trên.  Do vậy, các loại “thực phẩm hữu cơ” chưa phải là thực phẩm sạch & thực sự an toàn đối với người tiêu dùng.

- Phân bón được sản xuất từ nguồn “phân lân” nhập khẩu từ nước ngoài do có chứa hàm lượng Cadimi quá cao, vượt quá mức quy định được phép sử dụng. Đã có rất nhiều tài liệu cho thấy nguồn phân lân từ các nước vùng Nam Mỹ hoặc Châu Phi  thường có hàm lượng Cd cao ở mức trên 200 ppm.

- Theo quy định, một số chất kích thích sinh trưởng như axit giberillic (GA3), NAA, một số chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc từ thực vật được phép sử dụng trong phân bón để kích thích quá trình tăng trưởng, tăng tỷ lệ đậu hoa, đậu quả, tăng quá trình trao đổi chất của cây trồng, tăng hiệu suất sử dụng phân bón làm tăng năng suất, phẩm chất cây trồng. Mức quy định hiện hành cho phép tổng hàm lượng các chất kích thích sinh trưởng không được vượt quá 0,5% khối lượng có trong phân bón. Tuy nhiên trên thực tế một số tổ chức, cá nhân khi sản xuất, nhập khẩu đã không tuân thủ theo các quy định trên, đưa ra thị trường các loại phân bón có chứa hàm lượng các chất kích thích sing trưởng vượt quá mức quy định, gây tác hại cho sản xuất và ảnh hưởng tới chất lượng nông sản. Việc sử dụng phân bón có chứa các chất kích thích sinh trưởng không đúng theo hướng dẫn về liếu lượng, đối tượng cây trồng cũng làm thiệt hại tới sản xuất. Do thiếu hiểu biết, hơn 20 ha mạ vụ Đông xuân 2007/2008 ở Phú Xuyên Hà Nội (Hà Tây cũ) đã bị thiệt hại do sử dụng phân bón Tăng trưởng AC GABA CYTO có chứa chất kích thích sinh trưởng mà chỉ khuyến cáo dùng cho chè và rau xanh nhưng đã sử dụng cho mạ, do dùng sai đối tượng cây trồng.

Nguy hiểm từ các kim loại nhẹ vô cơ hữu ích, nhưng nếu dùng quá liều sẽ gây hại:

Các yếu tố dinh dưỡng vi lượng như Đồng (Cu), Kẽm (Zn)… rất cần thiết cho cây sinh trưởng và phát triển, tăng khả năng chống chịu và đề kháng cho cây. Tuy nhiên sẽ nguy hiểm khi qúa lạm dụng thì lại trở thành những loại kim loại nặng vượt quá mức sử dụng cho phép và gây độc hại cho con người và gia súc. Hiện nay với kỹ thuật sử dụng phân bón lá các loại phân bón vi lượng trong đó có Cu và Zn được bón trực tiếp cho cây dưới dạng Chelate (dạng mạch vòng) hoặc kết hợp với các chất mang khác để quá trình hấp thu vào cây được nhanh và thuận lợi, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Tuy nhiên nếu sử dụng cho các loại rau lá, chè, quả không có vỏ bóc mà không chú ý tới thời gian cách ly và liều lượng sử dụng theo đúng quy định thì các yếu tố dinh dưỡng trên lại trở thành các yếu tố độc hại cho người tiêu dùng. 
Kiến thức ở trên là một phần nhỏ trong biển kiến thức mà chúng tôi mong muốn giúp đỡ các bà nội chợ, giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân và bảo vệ gia đình bé nhỏ thân yêu của mình. Trong bài viết chúng tôi có sử dụng tư liệu nghiên cứu khoa học và bài viết của TS Trương Hợp Tác – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Máy đo an toàn thực phẩm SOEKS có giải cứu và phân tích chính xác được đâu là Thực phẩm sạch - an toàn và đâu là Thực phẩm bẩn không?

 

Theo Dược sỹ Nguyễn Thanh Thảo, một cán bộ chuyên làm xét nghiệm sinh hóa của Viện Kiểm nghiệm Vật Lý Hà Nội - Địa chỉ: 48 Hai Bà Trưng, Hà Nội có cùng nhận định với các Bác Sỹ và cán bộ chuyên xét nghiệm sinh hóa tại một số bệnh viện lớn mà chúng tôi đã tham khảo: Máy SOEKS - Ecotester này chỉ có thể kiểm tra một cách tương đối với dư lượng NOmà thôi, chứ máy không "thần kỳ" như những lời quảng cáo đã đưa ra, máy không thể kiểm tra được độ an toàn tuyệt đối với dư lượng chất NO3 cũng như đối với tất cả các dự lượng hóa chất độc hại khác đang tồn tại trong thực phẩm tiêu dùng hằng ngày được. Đơn giản vì trong mỗi loại thực phẩm khác nhau đều có rất nhiều vi chất nguyên tố hóa học vô cơ và hữu cơ cấu thành: kim loại nhẹ, kim loại nặng, các hại khuẩn, các chất có thể có hại cho sức khỏe con người, mỗi chất đó còn tùy thuộc vào nồng độ và ngưỡng tiêu cho phép đối với sức khỏe con người theo quy định riêng của mỗi Quốc gia,... Muốn phân tích và kết luận đúng đắn về vi lượng chất thì phải có máy chuyên môn đắt tiền, phải tiến hành xét nghiệm sinh hóa trong môi trường có điều kiện cách ly phòng thí nghiệm. Ví dụ: xét nghiệm máu thuộc nhóm máu gì cũng đòi hỏi phải làm xét nghiệm bài bản lấy máu cho đến làm xét nghiệm sinh hóa chứ không đơn giản là dùng bút thử được. 

Do vậy, chúng tôi xin khuyến cáo thêm để bạn đọc, người tiêu dùng thực phẩm cần thận trọng hơn khi mua thực phẩm, tránh việc quá tin vào một thiết bị mà có thể dẫn đến hậu quả là ngộ độc đáng tiếc bởi các chất độc khác mà máy SOEKS không thể cho kết quả.
Bài viết được tham khảo tài liệu của TS Trương Hợp Tác - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam.