1B-Xã Đông Mỹ-Thanh Trì-Hà Nội
Hotline : 0977774677 - 0942712345

Tin tức

Khi đàn chim trở về: Nỗi niềm của “Vua chim” xứ Bắc

Đến trang trại Vườn chim Việt của anh Trần Nhữ Giáp (35 tuổi, ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), nhiều người không khỏi choáng ngợp bởi nơi đây nuôi dưỡng rất nhiều loài vật thuộc dạng quý hiếm, độc nhất vô nhị ở Việt Nam được anh nhân giống thành công.

Bỏ phố về làng

Anh Trần Nhữ Giáp quê gốc ở Hà Nam, năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học Thương mại, anh Giáp xin vào làm cho một doanh nghiệp ở Hà Nội. Hơn 1 năm làm ở đây, thu nhập không đáp ứng được cuộc sống hàng ngày, anh Giáp quyết định bỏ về quê theo đuổi niềm đam mê nuôi chim cảnh từ nhỏ.

Năm 2004, với khoảng 40 triệu đồng tích cóp và vay mượn thêm từ bạn bè, anh mua 4 đôi chim công, trĩ về nuôi. Mới đầu, anh phải chịu sự phản đối kịch liệt của gia đình và nhất là vợ anh. Tuy nhiên, với niềm đam mê, tìm tòi, ham học hỏi, anh đã nhân giống thành công nhiều loài chim quý hiếm.

Xác định lấy nuôi chim cảnh làm nghiệp, việc đầu tiên trên con đường chinh phục ước mơ, anh Trần Nhữ Giáp chạy đôn chạy đáo lo xin cấp giấy phép làm trang trại nuôi chim trên mảnh đất quê hương Lý Nhân, Hà Nam. Để hoàn thành thủ tục pháp lý cho trang trại, anh đã phải mất gần 2 năm chứng minh loài chim trĩ đỏ có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo, trong khi không có tài liệu cụ thể nào về quy trình kỹ thuật nuôi các loài này. Sau nhiều nỗ lực, đến tháng 6/2009, trang trại nuôi sinh sản và bảo tồn Vườn chim Việt trở thành cơ sở đầu tiên và duy nhất trên cả nước được cấp giấy phép gây nuôi.

Thời gian đầu, chưa hiểu biết nhiều về đặc tính của loài chim này, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, sinh sản... nên chim chết khá nhiều, có thời điểm mất hàng trăm triệu đồng. Vốn đã ít, đầu tư thì lớn, những năm đầu tiên là thời điểm khó khăn chồng chất đối với anh. Để tự cứu mình ra khỏi vũng lầy, anh Giáp tiếp tục vay mượn tiền bạc để lấy nguồn kinh phí lăn lộn hàng tháng trời bên các nước bạn như: Thái Lan, Malaisia, Lào... để học hỏi, tìm hiểu các mô hình nuôi chim ở đó.

Trang trại Vườn chim Việt của anh Giáp nằm “án ngữ” trong khuôn viên rộng hơn 2.000m 2 , tại cánh đồng xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Tại đây, anh Giáp tổ chức, sắp xếp các loài chim trĩ, công, lạc hồng, vịt uyên ương, gà quý phi, le le… nuôi xen kẽ nhau theo mô hình “vườn ao chuồng” được tính toán tỉ mỉ và khoa học. Để chăm sóc tốt cho các giống chim quý, anh Giáp đã thuê 8 nhân công làm việc cố định tại trang trại ở xã Đông Mỹ. Ngoài cơ sở ở Hà Nội, anh Giáp còn một cơ sở chăn nuôi những loài chim quý ở chính quê hương Hà Nam của mình.

Anh Giáp cho biết, khoảng 50% số chim trong trang trại như chim trĩ, vịt trời… được anh nuôi làm thương phẩm, cung cấp ra thị trường. Số còn lại là những dòng rất quý của Việt Nam như vịt uyên ương, gà lôi trắng hay những loài có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng/con như vẹt, hồng hạc, hắc hạc, anh nuôi để bảo tồn và nuôi chơi, chứ không đem bán, dù chăm sóc chúng rất tốn kém.

Anh Giáp chăm sóc những con chim Lạc hồng, loài chim quý đặc hữu ở Việt Nam. Đây là loài chim được mô phỏng trong những họa tiết trên những chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng.

Giấc mơ có thật

Giới thiệu với chúng tôi về mô hình nuôi chim trĩ của mình, anh Giáp cho biết: “Hiện nay, số lượng đàn chim trĩ của trang trại không ngừng sinh sôi nảy nở, dần dần lên đến hàng nghìn con. Hiện cả đàn chim trĩ tại hai cơ sở có số lượng lên đến khoảng 10.000 con, cung cấp nguồn giống đáng kể cho người có nhu cầu nuôi loài chim này”.

Nói về đặc tính sinh sản của loài này, anh Giáp bộc bạch, sau 8 tháng tuổi, chim mái bắt đầu đẻ trứng. Đối với cá thể này, trung bình mỗi năm, một con mái đẻ khoảng 100 quả trứng. Giá mỗi quả trứng chim trĩ đỏ hiện khoảng 40.000 đồng, trĩ giống nuôi một tháng tuổi giá khoảng 100.000 đồng/con, trĩ trưởng thành khoảng 700.000 đồng/con... Hạch toán chi li, loài chim này mang lại giá trị kinh tế cao gấp 20 - 30 lần so với nuôi gà. Thịt chim trĩ ngon, giàu chất dinh dưỡng, tuy nhiên, do quý hiếm nên xưa nay dân ta sử dụng như một vị thuốc nhằm bồi bổ gan thận, tỳ vị hư yếu, kém ăn...

Thời gian đầu, việc nhân giống trĩ ở Vườn chim Việt gặp khá nhiều khó khăn. Do loài chim này không tự ấp được nên anh Giáp phải gom trứng rồi cho gà ấp, sau đó cải tiến bằng cách dùng máy ấp trứng. Tuy nhiên do nhiệt độ, thời gian ấp, độ ẩm của trứng gà và trứng chim khác nhau cho nên tỷ lệ thành công chưa đến 50%. Anh Giáp nảy ra ý tưởng nghiên cứu tự chế máy ấp trứng chuyên biệt cho chim. Anh lại mày mò và máy ấp trứng chim thương hiệu Vườn chim Việt ra đời từ đó.

Dừng chân tại một khu chuồng rộng rãi, thoáng đãng, anh Giáp giới thiệu với chúng tôi về đàn chim lạc hồng, còn được giới điểu học gọi là chim Việt - loài được in hình trên trống đồng, quốc bảo của Việt Nam nhưng lại rất ít người biết về nó. Anh thổ lộ: “Tôi lấy tên loài chim này để đặt cho trang trại của mình. Người Việt có quyền tự hào về rất nhiều loài chim quý, đặc hữu nhưng vấn đề là chúng ta cần biết trân trọng, bảo tồn”. Tiến thêm vài bước, chỉ vào một đôi vẹt màu sắc sặc sỡ đang rỉa lông, tắm nắng, anh nói: “Tôi trả học phí cho cặp vẹt Úc này hơn trăm triệu rồi, hiện giờ vẫn đang tiếp tục theo dõi để nhân giống”.

Chỉ cho chúng tôi vịt uyên ương, anh Giáp kể: “Vịt uyên ương là một trong 10 loài chim đẹp nhất thế giới do Tạp chí Sinh vật cảnh bình chọn. Ở Việt Nam, anh Giáp là người đầu tiên nuôi vịt uyên ương với số lượng lớn và cho chúng sinh sản. Anh bắt đầu nuôi loài này từ 7 năm trước. Ban đầu, anh Giáp chỉ nuôi 1 đôi vịt uyên ương được đổi từ rất nhiều chim trĩ cho một người trong Hội Sinh vật cảnh. Người này sưu tầm được giống và mang từ Nga về.

“Giá bán hiện tại của một cặp vịt uyên ương được mua tại vườn khoảng hơn 10 triệu/đôi. Tại các đại lý, cửa hàng có thể lên tới 17 - 18 triệu/đôi”, anh Giáp cho hay.

Để nhân giống thành công được một cá thể chim quý là điều rất khó khăn. Anh Giáp chia sẻ: “Để có được đàn vịt uyên ương xinh đẹp như ngày hôm nay, suốt 2 năm trời, tôi phải cùng ăn, cùng ở với vịt. Đúng là trời không phụ lòng người, vào một ngày đẹp trời, sau khi việc phát hiện ra vịt uyên ương có thói quen đẻ trứng... trên cây, tôi hì hục mang những thân gỗ mục gác lên làm tổ. Vịt lò dò lên đẻ trứng, ấp rồi nở, ấp rồi nở. Thành công đó tiếp tục là động lực cho tôi chinh phục những thử thách tiếp theo”.

Tham vọng của anh Giáp không chỉ dừng lại việc nuôi và nhân giống trĩ đỏ, sâm cầm, lạc hồng... Sắp tới, anh tự tin sẽ đưa được cả chim công ra ngoài Sách đỏ Việt Nam. Ông chủ Vườn chim Việt hào hứng: “Đó là sự khẳng định không chỉ với riêng tôi mà còn cho cả những người nuôi chim ở Việt Nam”.

Chia tay chúng tôi, anh Giáp hồ hởi tin rằng, với đà phát triển như hiện nay, nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ sẽ không còn nguy cơ tuyệt chủng nữa. Mô hình nuôi trĩ, cũng như nhiều loài chim khác sẽ được nhân rộng, mang lại lợi ích kinh tế lớn lao cho người chăn nuôi.

Quốc Minh