1B-Xã Đông Mỹ-Thanh Trì-Hà Nội
Hotline : 0977774677 - 0942712345

Tin tức

Trao giải thưởng "Sao Thần nông - cho mùa vàng bội thu" năm 2016

Lễ trao giải diễn ra vào tối 13/6 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, cùng lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam,Bộ NN&PTNT đã trao giải thưởng Sao Thần nông cho 10 nông dân xuất sắc và 4 HTX nông nghiệp kiểu mẫu được Ban Tổ chức lựa chọn.

Trao đổi với nông dân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các quốc gia, EU và khối ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế, nhất là hàng nông sản, có điều kiện mở rộng thị trường tại các nước khu vực có ưu đãi thuế (về đến 0%) như EU, Hoa Kỳ, Canada, Mexico. Từ đó, người nông dân, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu ngoại tệ, gia tăng thu nhập và góp phần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

“Nhưng thách thức không nhỏ”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho biết: “Trong 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì có 6 nước Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương rồi, nhưng không có tác động nhiều đến sản xuất và xuất khẩu. Trong số 4 nước còn lại thì có 3 nước là Mexico, Peru và Canada ngành nông nghiệp không cạnh tranh được với Việt Nam. Việt Nam chỉ “ngại” nhất Hoa Kỳ, vì họ có thể cạnh tranh được với ta về thịt lợn, thịt gà, một phần ngô, đỗ tương và các nguyên liệu làm thức ăn gia súc”.

Để gia tăng và củng cố lợi thế của nông sản Việt Nam, Chính phủ có chủ trương nhất quán, lâu dài và căn cơ là kiên trì tái cơ cấu thành công nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất.

“Cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, doanh nghiệp hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp và thu hút nhiều hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Về phía người nông dân, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, để không làm ăn manh mún, hướng tới sản xuất lớn thì bà con phải liên kết với nhau thành các HTX kiểu mới, có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra và các hỗ trợ sản xuất khác.

Sắp tới, Chính phủ sẽ có nghị định riêng về HTX nông nghiệp, hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế và đào tạo nguồn nhân lực quản trị để giúp các HTX này phát triển và nâng cao chất lượng, tỉ lệ HTX làm “đầu ra”, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

“Tôi tin rằng ta có những nông sản không sợ sự cạnh tranh nào hết, như gà đi bộ, bưởi da xanh, vịt giời… Nói về thịt lợn, thịt gà thì chúng ta có thể thắng ngay trên sân nhà và thâm nhập vào các thị trường thế giới bằng chất lượng cao hơn, thương hiệu cao hơn trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

Sự tin tưởng của Phó Thủ tướng dành cho sản phẩm thịt gà và các nông sản khác của Việt Nam không phải là không có cơ sở khi mới đây tại một hội thảo tăng cường năng lực cho ngành chăn nuôi, các chuyên gia nhìn nhận gà là thế mạnh của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, phát triển mạnh các giống gà thả vườn sẽ đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Mặc dù giống gà này có thời gian nuôi kéo dài hơn, nhưng chuồng trại đơn giản, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có, không sử dụng thức ăn công nghiệp. Hơn nữa, giá thành thức ăn giảm so với gà công nghiệp, giá bán lại tốt hơn nên hoàn toàn có thể hy vọng.

Năm 2014, sản phẩm “gà đi bộ” có sản lượng 620.000 tấn, giá trị chiếm tới 70%, đạt 30.000 tỷ đồng, trong khi gà công nghiệp chỉ đạt 393.000 tấn. Con số này cho thấy gà thả vườn chiếm ưu thế trong tiêu dùng ở Việt Nam và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm trong nội địa cũng như nhập khẩu.

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho biết, xu hướng trên thế giới đang chuyển dần sang gà nuôi thả. Thậm chí, nhiều quốc gia đã ra quy định cấm nuôi nhốt các loại gia cầm. Gần đây, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s của Mỹ vừa tuyên bố sẽ dần chấm dứt sử dụng trứng gà do gà nhốt chuồng đẻ, mà chỉ dùng trứng do gà thả đẻ.

“Trên thế giới, giá trị gà đi bộ rất cao. Chúng ta đang nuôi thả vườn trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi mô hình, nên lựa chọn nuôi gà thả vườn, gà đi bộ là lựa chọn hợp lý”, ông Khanh nói.

 

Tại cuộc gặp các nông dân và HTX nông nghiệp đạt giải Sao Thần nông 2015, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều gương nông dân, HTX điển hình hơn nữa trong thời gian tới, đóng góp hiệu quả, thực chất vào Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành văn bản kêu gọi cả nước xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới. Theo đó, có nội dung huy động các nguồn lực không chỉ của người nông dân mà cư dân thành thị, trong nước, ngoài nước, các tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp trong chung sức xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ sẽ hoàn thiện bộ tiêu chí nông thôn mới với cấp xã và cấp huyện có điều kiện phù hợp đặc thù từng vùng. Với những xã đạt chuẩn rồi thì phải tiếp tục thực hiện chương trình này với danh hiệu xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng thời trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới, Chính phủ sẽ có 2 chương trình đầu tư quan trọng để huy động nguồn lực là đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế-xã hội hạ tầng nông thôn và chương trình đầu tư công trung hạn thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.

----------------------------------------------------------------------------

10 nông dân nhận Giải thưởng Sao Thần Nông năm 2015

Ông Trịnh Xuân Mười (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cung cấp bơ giống Tây Nguyên chất lượng cao.

Ông Nguyễn Đăng Cường (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nuôi vịt giời, cung cấp 300 vịt trời thương phẩm/ngày cho các nhà hàng.

Bà Nguyễn Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) là người phụ nữ đầu tiên ở Bình Dương trồng bưởi da xanh doanh thu 15 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có 14.000 m2 trang trại nuôi kỳ nhông, kỳ đà doanh thu mỗi năm hơn 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Nghiệp (Cù lao Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cung cấp cây giống cho cả nước và xuất khẩu sang Campuchia, Tây Ban Nha.

Ông Phạm Văn Hát (xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) là chuyên gia sáng chế thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

Ông Trần Nhữ Giáp (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nuôi 40 loại gia cầm, thủy cầm với doanh thu trên 4 tỷ đồng/năm.

Ông Trần Quang Thiều (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi danh là “Vua diệt chuột”. 15 năm qua ông đã tiêu diệt hơn 40 triệu con chuột phá hoại mùa màng.

Bà Bùi Thị Ba (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền (huyện Củ Chi, TPHCM).

Nguồn: baochinhphu.vn